Kết thúc thời học sinh áo trắng là lúc các bạn trẻ phải nghiêm túc suy nghĩ để định hướng nghề nghiệp tương lai cho mình. Nhưng đa phần các bạn đều phải đối mặt với những khó khăn trong lúc chọn nghề vì chẳng biết nên chọn nghề gì cho phù hợp. Bên cạnh đó, là những yếu tố xung quanh tác động khiến mọi người hoang mang, lo lắng. Để giải quyết mối bận tậm này thì chúng ta cần làm gì?
Cần tìm hiểu những gì khi định hướng nghề nghiệp?
Lớp 12 là năm học cuối cùng của thời học sinh và lúc này mỗi người phải tất bật ôn luyện và suy nghĩ mình nên chọn nghề gì. Thế nên, từ những ngày đầu của năm học các bạn nên tích cực học tập và tìm hiểu những vấn đề liên quan đến các ngành nghề. Điều này khá dễ dàng bởi hiện nay có các kênh phương tiện thông qua internet và sách, báo giúp chúng ta tìm hiểu thông tin đào tạo của tất cả các ngành nghề. Hoặc các bạn có thể tham gia các buổi thuyết trình của những chuyên gia, những anh chị đi trước hoặc thầy cô trong nghề để tìm hiểu về thực tế nghề nghiệp bao gồm: Môi trường làm việc, cách làm việc, những cơ hội phát triển, những thuận lợi và khó khăn… để xem xét mức độ phù hợp với mình.
Đồng thời lắng nghe những lời nhận xét từ cha mẹ, thầy cô, bạn bè về tính cách của bản thân để biết mình có phù hợp với nghề đó hay không. Hoặc làm những bài trắc nghiệm tính cách để tìm ra những ngành phù hợp. Tuy nhiên, đây vẫn là những thông tin tham khảo mà chúng ta nên lựa chọn nhưng không hẳn là các bạn dựa vào đây để đưa ra quyết định cuối cùng cho mình bởi trong vấn đề chọn nghề còn rất nhiều yếu tố ảnh hưởng khác.
Khi đã có những ý kiến tham khảo về một số ngành nghề nhất định, chúng ta hãy bắt đầu tìm hiểu các thông tin như: Tên ngành, chuyên ngành, trường đào tạo(Cơ sở vật chất, giảng viên), mục tiêu và nội dung đào tạo, tiềm năng phát triển, những kiến thức và kỹ năng cần có của ngành, học phí, thời gian đào tạo, khối thi, điểm trúng tuyển qua các năm, nơi làm việc sau khi tốt nghiệp…
Định hướng nghề nghiệp theo sở thích, tính cách và năng lực
Sở thích chính là một trong các yếu tố quan trọng định hướng nghề nghiệp tương lai bởi đa phần khi lựa chọn nghề thường thì chúng ta sẽ nhìn vào sở thích đầu tiên. Tuy nhiên, các bạn chưa phân biệt được đâu là sở thích nhất thời và đâu là đam mê thật sự. Khi đó chúng ta cần xem xét lại sở thích liệu có thể thay đổi theo thời gian khi bị ảnh hưởng.
Ví dụ, khi còn đi học bạn làm thủ quỹ của lớp và bạn nghĩ rằng mình thích nghề kế toán. Tuy nhiên, việc làm một nhân viên kế toán không đơn giản như thế mà còn phải học rất nhiều thứ liên quan đến con số, phần mềm quản lý… Còn chưa kể đến bạn có giỏi toán học hay không(Năng lực) hoặc bản thân có thích hợp để làm việc độc lập với các con số khô khan(Tính cách). Bởi tính cách quyết định đến 50% cho việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp và năng lực là yếu tố quyết định đến khả năng, hiệu quả làm việc. Do vậy, cần đáp ứng các tiêu chí này trước khi đưa ra quyết định.
Định hướng nghề nghiệp theo nhu cầu xã hội
Định hướng nghề nghiệp theo nhu cầu xã hội khi đó chúng ta sẽ thỏa mãn các tiêu chí về một công việc ổn định trong tương lai. Đáp ứng được các nguyện vọng sau khi ra trường như: Tìm kiếm công việc dễ dàng, mức thu nhập cao, cơ hội phát triển tốt… Nếu bạn vẫn đang mơ hồ không biết mình thích nghề gì thì cách tốt nhất là hãy tham khảo những ngành nghề triển vọng trong tương lai vì khi lựa chọn theo tiêu chí này ít nhất cũng đảm bảo các bạn sẽ dễ tìm việc hơn sau khi ra trường.
Chẳng hạn, một số ngành triển vọng trong những năm tới như: IT, marketing, ngoại ngữ… Thế nhưng, chúng ta hãy lưu ý bởi thị trường việc làm có thể sẽ thay đổi theo thời gian hoặc có những yêu cầu cạnh tranh mà buộc mỗi người phải không ngừng phấn đấu học hỏi để bắt kịp thời đại. Do vậy, bạn phải cập nhật thông tin thường xuyên để thay đổi hoặc bổ sung kiến thức cho mình.
Yếu tố nào cần tránh khi định hướng nghề nghiệp?
Một trong những điều cần tránh khi chọn nghề đó là theo ý muốn của gia đình. Bởi nếu cha mẹ áp đặt đi trên con đường mà bạn không thích thì sớm muộn chúng ta sẽ bỏ cuộc hoặc chán nản với những gì mình làm. Hoặc đừng nên chọn ngành theo số đông bạn bè, theo phong trào mà quên đi điều kiện kinh tế, năng lực của mình có đáp ứng hay không. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều bạn bị chơi vơi hoặc ngượng ngùng khi có ai nhắc đến những mục tiêu sau khi ra trường rằng bạn sẽ làm gì và làm việc tại đâu.
Bên cạnh đó, cần tránh chọn ngành theo cấp bậc, nghề “hot”, nổi tiếng, dễ kiếm tiền mà không phù hợp với mình,vượt quá năng lực học tập, điều kiện kinh tế và không gắn với nhu cầu xã hội. Hoặc tránh chọn nghề theo kiểu mê tín như: Bói qué, xin xăm, xem tướng, coi chỉ tay, chữ viết…
Có rất nhiều yếu tố cân nhắc khi định hướng nghề nghiệp tương lai nhưng tóm lại khi lựa chọn bất kỳ một ngành nào chúng ta cần thỏa mãn các điều kiện cơ bản là phải có đam mê, có năng lực và điều kiện kinh tế đáp ứng thì việc học mới dễ dàng hơn. Các tiêu chí còn lại và những điều cần tránh thì chính mỗi người phải tự xem xét cho mình.