Nhu cầu tuyển dụng cao từ các chuỗi nhà hàng – khách sạn Việt Nam

Với những lợi thế về thiên nhiên và tạo hóa, du lịch Việt Nam đang từng bước lớn mạnh và phát triển thành một ngành kinh tế then chốt trên toàn quốc. Cùng với xu thế phát triển đó, hàng loạt chuỗi nhà hàng – khách sạn mọc lên để phục vụ toàn diện về mặt dịch vụ cho các du khách trong và ngoài nước. Theo Tổng cục thống kê, vào năm 2016, lượng du khách tăng vọt đạt đến con số hơn 750.000 lượt/ tháng. Con số này chính là minh chứng cho việc ngành nghề trong lĩnh vực nhà hàng – khách sạn đang trở thành một trong những ngành nghề gây sốt nhất trong giới lao động hiện nay. Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực TP.HCM, đến năm 2025 nhóm ngành quản lý khách sạn – nhà hàng sẽ là những ngành nghề đầy triển vọng đối với những bạn trẻ năng động, luôn muốn đổi mới và yêu thích mối quan hệ giao lưu, trao đổi văn hoá với nhiều quốc gia trên thế giới. Có thể nói rằng đây là một sự lựa chọn đúng đắn và đầy thông minh đối với các bạn.
Trong thời gian gần đây, “Ngày hội việc làm” dành riêng cho lĩnh vực nhà hàng – khách sạn đã được tổ chức tại Hà Nội với sự hỗ trợ của GHM. Ngày hội này được đánh giá là một trong những ngày hội uy tín nhất trong khối nghành nhà hàng – khách sạn trên cả nước.
Với chủ đề chính “Thắp sáng đam mê”, các sinh viên đang theo đuổi ước mơ được làm việc tại các nhà hàng – khách sạn có thể nắm rõ hơn về những khía cạnh trọng tâm của nghề, đồng thời có cơ hội gặp gỡ với hơn 20 cơ sở tiếng tăm trong lĩnh vực này.
Theo người đứng đầu của Tổng cục Du lịch, ngày hội việc làm là một chương trình hữu ích và thú vị, do nó mang tính giao lưu rất cao, đồng thời hỗ trợ các sinh viên trẻ đang theo học khối ngành nhà hàng – khách sạn khẳng định được bản thân và tìm được một công việc thích hợp với đam mê và khả năng của mình. Ngoài ra, các nhà tuyển dụng cũng giải quyết được vấn đề cấp bách về việc thiếu hụt lao động trong công tác chiêu mộ nhân tài của mình.
Theo số liệu thống kê qua nhiều cuộc điều tra về lĩnh vực nhà hàng – khách sạn, hiện nay đây là một trong những ngành có tiềm năng phát triển mạnh trong cả nước, vì vậy nhu cầu tuyển dụng được đề ra cũng rất cao. Với đà phát triển nhanh như thế, thực trạng thiếu hụt nhân lực đang ngày kéo dài, song đó, cơ hội việc làm mở ra cho sinh viên lẫn các chuyên gia trong ngành ngày càng nhiều. Tuy nhiên, người lao động không nên quá chủ quan về điều đó, vì hệ thống nhà hàng – khách sạn của Việt Nam hiện nay đòi hỏi khá cao về trình độ ngoại ngữ, cũng như kỹ năng giao tiếp, cùng các kỹ năng sống khác, do đó việc siêng năng, tích cực trau dồi kiến thức là điều rất là cần thiết đối với người lao động hiện nay. Vì thế, bạn cần phải đắp nền thật chắc, để có đủ sức vượt qua nhiều thách thức có thể đối mặt trong suốt quá trình công tác với ngành nghề này.
Hệ thống nhà hàng – khách sạn đang cố gắng tìm kiếm những quản lý cấp cao tài năng
Giám đốc phòng nhân sự của JW Marriott chia sẻ rằng trong giai đoạn hiện nay, nguồn lao động của quốc gia vẫn chưa thể cung ứng đủ cho hầu hết các nhu cầu tuyển dụng của các nhà hàng – khách sạn. Các vị trí nhân viên tại các phòng ban tương đối đã đủ, tuy nhiên các vị trí quản lý trở lên đang trở thành vấn đề cấp thiết cần phải được giải quyết sớm, cụ thể các vị trí này chỉ mới chiếm khoảng 50% trong tổng số. Ngoài ra, hệ thống nhà hàng – khách sạn đang rất cần một đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp làm việc lâu dài, vì vậy họ đang triển khai các kế hoạch nhằm đào tạo mọi mặt chuyên môn cho các ứng viên đã vượt qua đợt phỏng vấn. Bên cạnh đó, họ sẽ chuyển đổi sang hướng để lao động Việt Nam nắm giữ các vị trí chủ chốt thay vì lao động nước ngoài.

Cơ Hội Phát Triển Năng Lực Trong Lĩnh Vực Khách Sạn

Trong những năm gần đây, thị trường lao động Việt Nam đang trở nên ngày một sôi động hơn nhờ vào nhóm ngành khách sạn. Ngoài ra, hiện nay có hơn hàng trăm dự án đang đầu tư chính thức vào ngành du lịch biển, kéo theo sự phát triển không ngừng của hàng loạt chuỗi khách sạn trong khu vực.

Công ty CBRE cho biết trong giai đoạn hiện nay, nhiều tập đoàn khách sạn nước ngoài đang hướng đến thị trường du lịch tại Việt Nam, đặc biệt là tại các thành phố ven biển, cũng như một số tỉnh thành lớn có tiềm năng du lịch khác. Chẳng hạn như tại địa bàn TP.HCM đang triển khai công tác xây dựng khách sạn Holiday Inn & Suites Airport, Saigon Prince, Bay Hotel (4-5 sao), tại Nha Trang – Riviera Beach & Resort, v.v. Bên cạnh đó, hai đơn vị đầu tư lớn (Vingroup, Sun Group) sẽ mở rộng phạm vi kinh doanh tại các khu vực ven biển. Không khó để nhận ra đây chính là dấu hiệu cho thấy triển vọng phát triển tối ưu của lĩnh vực khách sạn trên toàn quốc trong một vài năm tới, đồng thời mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Cụ thể, người có tấm bằng cử nhân ngành khách sạn luôn là những người được các đơn vị ưu ái nhất, vì họ đã được đào tạo và sở hữu vốn kiến thức chuyên môn về lĩnh vực này, giúp họ không còn cảm thấy bỡ ngỡ và e ngại với môi trường làm việc chuyên ngành.

Tuy nhiên, một số chuyên gia về mặt quản lý nhân sự tại các khu resort và khách sạn cao cấp đã chia sẻ rằng hệ thống hoạt động của họ gồm có nhiều bộ phận có nhiệm vụ khác nhau như quản lý hành chính nhân sự, marketing, tổ chức sự kiện, tiền sảnh, ẩm thực, v.v. Vì vậy, các tập đoàn resort và khách sạn đang rất cần nguồn nhân lực từ nhiều ngành nghề khác nhau cùng hợp tác phát triển. Có nhiều bạn học những ngành nghề tưởng chừng như không hề liên quan đến lĩnh vực – khách sạn như kế toán, quản trị kinh doanh, và một số ngành kinh tế khác, nhưng lại có ước mơ và yêu thích lĩnh vực này vẫn rất thành công với các vị trí trong chuỗi hệ thống. Điều quan trọng nhất là bạn phải biết nắm được cách thức hoạt động và tổ chức của từng bộ phận, cùng tổng thể quá trình hoạt động của cả hệ thống, nhằm có cái nhìn bao quát và định hướng công việc rõ ràng khi ứng tuyển và gặp gỡ với đơn vị tuyển dụng.

Bên cạnh kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn, ngoại ngữ trong lĩnh vực khách sạn là một trong những điều kiện tiên quyết. Trong giai đoạn hội nhập quốc tế như hiện nay, kèm theo ngoại ngữ, bạn còn phải có thêm niềm đam mê, nhiệt huyết và một vốn kinh nghiệm tích lũy sẵn có. Nếu bạn vẫn đang đi học và nuôi hy vọng làm việc trong lĩnh vực này, hãy trang bị ít nhất cho mình một ngoại ngữ. Và trước hết, bạn phải xem xét về tình hình thị trường du lịch tại Việt Nam như thế nào, cũng như lượng du khách chủ yếu đến từ quốc gia nào để có được quyết định đúng đắn. Nếu bạn có cơ hội và thời gian rãnh rỗi, hãy học thêm một ngoại ngữ thứ hai, nhằm mở ra cho chính bản thân mình nhiều lợi thế khi bước vào lĩnh vực này.

Phía trên, bài viết đã có đề cập đến lòng đam mê và tinh thần nhiệt huyết. Hai yếu tố này cần phải được nhắc đến qua CV của bạn, vì nó sẽ giúp bạn tạo được ấn tượng tốt đối với các nhà tuyển dụng. Bạn đã từng tham gia những hoạt động ngoại khoá nào ở đại học/cao đẳng? Chúng có liên quan đến ngành học hay không? Và bạn có biết thông tin gì về vị trí mà đang ứng tuyển hay không? Hãy tự tin thể hiện hết mọi khả năng của mình, như thể là lần cuối cùng bạn được phép đi xin việc.

Để tìm được công việc phù hợp, các sinh viên năm cuối nên bắt đầu theo dõi một số khu resort, cũng như khách sạn mà mình quan tâm nhằm có sự chọn lọc. Ngoài ra, các bạn có thể đăng ký thông báo qua mail từ các trang mạng việc làm để cập nhật nhanh chóng những thông tin chi tiết về các vị trí tuyển dụng hiện nay. Hơn nữa những trang mạng này còn đem lại cho bạn thêm nhiều kiến thức hữu ích khác như bí quyết đi phỏng vấn, hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ xin việc một cách hiệu quả nhất, cùng một số bài viết hay và thú vị khác.

Top 10 Công Việc Có Thu Nhập Cao Trong Lĩnh Vực Dịch Vụ Khách Sạn

Cho đến nay, khối ngành liên quan đến các loại hình như khách sạn, khu nghỉ dưỡng, sòng bạc, nhà hàng và quán bar – đã tuyển dụng hơn hàng chục triệu người vào làm việc. Đây là một con số khá ấn tượng khi nhu cầu tiêu dùng đối với các dịch vụ cung cấp trong khối ngành này ngày một tăng lên. Đây cũng là một thông tin tuyệt vời dành cho những người đang quan tâm đến các ngành nghề trong lĩnh vực khách sạn. Sau đây là danh sách các ngành nghề có thu nhập cao trong khối ngành dịch vụ khách sạn:

1. Quản lý Casino

Mức lương trung bình hiện tại của quản lý casino trên hàng nghìn USD/ tháng. Họ có nhiệm vụ quản lý tất cả các khía cạnh về mặt tài sản tại casino bao gồm các hoạt động về nhân sự và dịch vụ chăm sóc khách hàng. Vị trí công việc này đòi hỏi bạn phải có bằng cử nhân, đồng thời bạn phải có ít nhất 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

2. Đầu bếp trưởng khu vực

Mức lương trung bình hiện tại cho vị trí này cũng được xếp vào một trong những ngành có thu nhập khủng. Họ có nhiệm vụ lên kế hoạch và tạo ra các menu món ăn hấp dẫn mới, cũng như đào tạo các đầu bếp nhà hàng trong khu vực để chuẩn bị các công thức nấu ăn khác nhau. Để trở thành một đầu bếp trưởng thực thụ trong lĩnh vực dịch vụ khách sạn, đòi hỏi bạn phải có bằng cử nhân và có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong ngành.

3. Giám đốc Nhà hàng thuộc khu vực Casino

Hiện nay có hơn 25% chuyên gia hàng đầu nắm giữ vị trí này kiếm được hơn 5000 USD/ tháng. Họ có nhiệm vụ chỉ đạo hoạt động của một hoặc nhiều nhà hàng thuộc khu vực casino nhằm giám sát doanh thu và kiểm soát mức độ hài lòng của khách hàng. Vị trí này đòi hỏi bằng cử nhân, đồng thời bạn phải có tối thiểu 6 đến 8 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

4. Quản lý khách sạn

Mức lương trung bình hiện tại cho người quản lý khách sạn từ 2000 đến 7000 USD/ tháng. Công việc chung của họ thường tập trung chủ yếu vào quản lý mọi mặt về tài sản của khách sạn, đồng thời vào các hoạt động nhân sự và dịch vụ chăm sóc khách hàng. Các công việc quản lý khách sạn điển hình thường yêu cầu bằng cử nhân với số năm kinh nghiệm trong ngành ít nhất 7 năm.

5. Giám đốc Nhà hàng trong khu vực

Mức lương trung bình hiện tại cho một giám đốc nhà hàng khu vực có thể vượt hơn 5000 USD/ tháng. Họ thường có nhiệm vụ giám sát chuỗi hoạt động của nhiều nhà hàng trong cùng một khu vực địa lý. Bên cạnh đó, họ còn phải đảm đương trách nhiệm về việc thuê và đào tạo quản lý, cũng như thiết kế các kế hoạch bán hàng cho mỗi cơ sở. Vị trí quản lý nhà hàng khu vực thường yêu cầu bằng cử nhân và có số năm kinh nghiệm tối thiểu là 7 năm.

6. Quản lý dịch vụ Du lịch

Cũng như ngành nghề Quản lý khách sạn, mức lương trung bình hiện tại cho người quản lý dịch vụ du lịch khoảng từ 2000 đến 7000 USD/ tháng. Vị trí này thường phải hoàn thành các nhiệm vụ như quản lý các nhu cầu đi lại của tổ chức bao gồm ngân sách, nhà ở, và các yêu cầu du lịch phức tạp khác. Nhóm ngành này cũng yêu cầu bằng cử nhân và ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành.

7. Giám đốc Thực phẩm và Nước giải khát

Mức lương trung bình hiện tại của giám đốc thực phẩm và nước giải khát cũng là một trong những mức lương rất cao trên thị trường lao động hiện nay. Họ được giao trọng trách về mảng giám sát dịch vụ ăn uống, lập kế hoạch về các bữa ăn tại khu vực khách sạn, casino hoặc nhà hàng. Cụ thể, họ phải lên kế hoạch và lập ngân sách, cũng như điều phối các sự kiện đặc biệt và tiếp thị các sản phẩm thực phẩm và nước giải khát. Các công việc tiêu biểu cho ngành thực phẩm và đồ uống đòi hỏi bằng cử nhân và vốn kinh nghiệm tối thiểu là 8 năm.

8. Quản lý tổ chức sự kiện

Mức lương khởi điểm hiện tại cho một người quản lý tổ chức sự kiện khoảng 3000 USD. Với vị trí này, người quản lý có trách nhiệm lên kế hoạch về các sự kiện đặc biệt, đồng thời phối hợp các tiện nghi nhà ở, lập ngân sách và đàm phán hợp đồng. Vị trí quản lý tổ chức sự kiện luôn yêu cầu bằng cử nhân và vốn kinh nghiệm tối thiểu là 5 năm.
Nếu bạn chưa đủ trải nghiệm với những đòi hỏi của các công việc hàng đầu nêu trên, đừng vội quá thất vọng. Hãy dành hết tâm trí và đam mê cho vị trí hiện tại của bạn, và bạn sẽ rất là ngạc nhiên khi làm việc chăm chỉ và nhiệt huyết có thể đưa bạn hướng đến các vị trí đó một cách thật thuận lợi và dễ dàng!

Làm thế nào để thành công trong ngành Nhà hàng Khách sạn?

Thành công trong ngành Nhà hàng Khách sạn bắt đầu từ cấp trên. Quản lý cấp cao điều hành và tạo nên môi trường làm việc. Nếu nhân viên không vui vẻ, khách hàng sẽ nhận ra và lợi nhuận có thể sẽ đi xuống. Không thể phủ nhận rằng quản lý cần hiểu rõ việc kinh doanh, nhưng bao nhiêu người biết cách xây dựng và truyền cảm hứng cho một nhóm nhân viên?
Đầu tiên, quản lý cần ngừng xem xét quá kỹ lý lịch nhưng hãy đề cao tính cách con người của một nhân viên. Bất cứ ai cũng có thể có kỹ năng đặc biệt; phát triển một con người tiềm năng thành một thành viên tốt trong một nhóm là một công việc rất khó khăn. Hãy tìm kiếm những phẩm chất có thể thúc đẩy sự gắn kết và xuất sắc của nhóm.
Quản lý nên cố gắng làm việc chung với những người giỏi giang hơn. Lòng tự trọng cao là điều là một lãnh đạo nào cũng có, nhưng sự tự đánh giá bản thân cũng rất cần thiết. Lãnh đạo phải phát huy được sở trường của bản thân và tuyển thêm những người có thể lấp đầy những khoảng trống khuyết điểm. Kinh doanh nhà hàng khách sạn rất phức tạp và không một ai có thể xoay sở một mình. Một nhóm cùng làm việc, truyền cảm hứng cho nhau sẽ giúp công việc tốt hơn. Hãy thưởng cho những nhân viên nếu họ thành công và tín nhiệm họ nếu họ xứng đáng. Hãy để nhân viên được tỏa sáng và tán dương những thành tựu của họ. Đối xử tốt với nhân viên và họ sẽ đối xử với khách hàng tốt như vậy. Những khách hàng vui vẻ sẽ giúp việc kinh doanh trở nên tốt hơn.
Quản lý cấp cao cần ra ngoài và đi lại trong sảnh khách sạn để có thể nói chuyện với nhân viên và khách hàng. Hãy lắng nghe và đọc những bình luận của khách, tìm hiểu xem những đối thủ cạnh tranh đang làm gì và xem những vấn đề là cơ hội để phát triển. Luôn luôn cần phải cải thiện cho dù bạn là lãnh đạo cấp cao.
Đánh giá sự cố nhanh chóng và huấn luyện nhân viên cũng biết làm điều này vì sự trì hoãn sẽ không tốt cho việc kinh doanh. Trong thế giới ngày nay, khách hàng rất dễ truy cập vào những trang web du lịch online nên hành động càng nhanh thì tốt hơn so với không làm gì.
Việc cung cấp những dịch vụ chất lượng không bao giờ dễ dàng. Tuy nhiên, hãy tuyển dụng những người xuất sắc và cho họ biết họ được đánh giá cao trong việc tạo nên một môi trường thân thiện cho khách hàng. Hãy tập trung vào từng chi tiết nếu chúng là trở ngại của việc kinh doanh thành công.

5 Kỹ năng mềm bạn cần có khi làm trong ngành Nhà hàng Khách sạn

Disney phải chi trả một số tiền lớn chỉ để đào tạo những người quét dọn đường phố. Tại sao? Vì họ phát hiện rằng rất nhiều khách tham quan hỏi những người quét đường về thông tin và chỉ dẫn, người quét dọn trở thành một thành phần cốt lõi trong những trải nghiệm của du khách. Vì thế, họ cần những kỹ năng mềm để làm hài lòng khách hàng, bên cạnh việc giữ đường phố sạch sẽ.
Nhân viên Disney được lựa chọn không chỉ vì những kỹ năng chuyên môn và thực hành, nhưng quan trọng hơn là thái độ và phẩm chất cá nhân của họ.
Cụ thể đối với ngành Nhà hàng Khách sạn, kỹ năng mềm làm cho một nhân viên trở nên khách biệt so với đồng nghiệp của họ. Cải thiện kỹ năng mềm đem lại hai lợi ích chính cho bạn:
• Bạn sẽ có một công việc vui vẻ hơn
• Bạn sẽ đóng góp thêm giá trị cho nơi bạn làm việc (và được khen thưởng vì điều này)
5 kỹ năng sau đây sẽ giúp bạn khác biệt và thúc đẩy sự nghiệp của bạn.

1. Thái độ làm việc tích cực

Làm việc trong ngành Nhà hàng Khách sạn thường phải làm việc theo nhóm. Thái độ của bạn ảnh hưởng đến những người xung quanh bạn, dù đó là thành viên trong nhóm hay khách hàng. Giữ thái độ tích cực và lạc quan đến những người đồng hành giúp bạn có được sự quý mến và niềm vui. Vì khách hàng thường chú ý đến cả nhóm chứ không chỉ một cá nhân nên hãy học cách tạo dựng những mối quan hệ tốt với những người làm việc chung với bạn. Ví dụ, nhân viên phục vụ nên tìm cách cải thiện mối quan hệ với đầu bếp, và ngược lại.

2. Thân thiện và dễ tiếp xúc

Walt Disney nói: “Bạn có thể thiết kế và xây dựng nơi tuyệt vời nhất trên thế giới. Nhưng cần có người để biến giấc mơ thành hiện thực”.
Disney nếu không có nhân lực có thể chỉ có những tòa nhà, công viên và xe đạp. Không có gì đặc biệt. Chính những người làm việc tại Disney đã hiện thực hóa giấc mơ ấy.
Một dịch vụ tốt dành cho khách hàng bắt đầu từ chính bạn, và cách làm việc của bạn cùng nhóm của mình ảnh hưởng đến cảm giác của khách hàng.
Trở nên thân thiện và cởi mở là một khởi đầu và là bước cơ bản nhất để tạo ra một dịch vụ tốt, điều mà sẽ có lợi cho bạn , nhóm của bạn và người khách hàng trả tiền cho bạn.

3. Khả năng làm việc hiệu quả dưới áp lực

Nhà hàng Khách sạn được xem là một môi trường làm việc có áp lực cao nơi mà dịch vụ khách hàng không thể chịu thua giới hạn của thời gian. Vì đối với hầu hết nhân viên trong ngành này, mọi thứ xảy ra gần như “ngay bây giờ”, và thường có khả năng làm sai. Chính áp lực khiến mọi việc diễn ra nhanh hơn.
Hãy học cách làm việc hiệu quả dưới áp lực cao và trong những lúc khó khăn nhất để làm việc với những người xung quanh bạn.

4. Giao tiếp tốt

Giao tiếp là một kỹ năng thiết yếu trong Nhà hàng Khách sạn. Cho dù với khách hàng, nhân viên phục vụ, đầu bếp, nhân viên bar hoặc bất kỳ người nào khác, bạn phải liên tục tương tác với mọi người khi làm việc.
3 lý do chính người ta bỏ việc liên quan đến việc giao tiếp kém, vì thế kỹ năng này giúp ích cho chính bạn chứ không phải sếp của bạn.

5. Nhìn sự việc dưới quan điểm của người khác

Chúng ta dễ dàng cho rằng những người làm tổn thương ta là sai trái, nhưng nếu bạn có khả năng nhìn sự việc dưới quan điểm của người khác, bạn sẽ giúp chính mình thoát khỏi những stress tinh thần không đáng có.
Tương tự, đặt bản thân vào tình cảnh của khách hàng hoặc những người bạn làm việc chung sẽ giúp bạn giải quyết những vấn đề một cách thông minh và ít xung đột nhất.
Con người thường hình thành quan điểm dựa trên kinh nghiệm cá nhân. Vì thế việc hiểu rằng những người khác không cùng quan điểm với mình là bước đầu tiên để trở thành một người biết đồng cảm.
Hãy xem xét vấn đề dưới góc nhìn của người khác bằng cách quan sát những lời nói và cử chỉ của họ cũng như cách đáp lại những gì bạn nghe họ nói.

5 Bí Kíp Thành Công Trong Việc Quản Lý Khách Sạn

Quản lý khách sạn là một lĩnh vực nhỏ trong ngành Du lịch và Khách sạn, một trong những ngành có tốc độ phát triển nhanh nhất ở Bắc Mỹ. Do đó, có rất nhiều cơ hội tuyệt vời cho những người muốn theo đuổi sự nghiệp trong việc quản lý khách sạn.
Bạn cần gì để trở thành một nhà Quản lý Khách sạn thành công?
Bên cạnh phải đáp ứng một số yêu cầu chung của công việc, một quản lý khách sạn cũng cần có những phẩm chất cá nhân phù hợp, cũng như sự hỗ trợ cho nhân viên của mình nếu muốn thành công trong vai trò này.
Những phẩm chất như tính cách thân thiện, kỹ năng giao tiếp tốt và khả năng suy nghĩ thấu đáo là những kỹ năng cần phải có khi bạn muốn làm một quản lý khách sạn. Tuy nhiên, chỉ riêng những phẩm chất này không đủ để thành công trong ngành cạnh tranh khốc liệt này, vì thế đây là 5 bí kíp đã được sưu tầm nhằm giúp bạn có được một sự nghiệp thành công trong ngành quản lý khách sạn:

1. Xây dựng một đội ngũ nhân viên khiến bạn tự hào

Nhân viên của bạn sẽ trở thành diện mạo của khách sạn, vì họ sẽ là những người tương tác với khách hàng thường xuyên. Đây là lý do tại sao việc chọn lựa và xây dựng một đội ngũ nhân viên khiến bạn hài lòng rất quan trọng. Để làm điều này, bạn cần đảm bảo rằng bạn phải tuyển được những người có tính cách, thái độ và kỹ năng phù hợp.

2. Đừng ngần ngại trong việc học hỏi

Khi trở thành một nhà quản lý, bạn cần phải giải quyết những công việc khác nhau trong cùng thời điểm. Bạn cũng cần có khả năng xác định và giải quyết vấn đề nhanh chóng và hiệu quả. Điều này cần bạn phải có nhận thức đổi mới và khát khao học hỏi. Vì là một quản lý khách sạn, việc duy trì học hỏi và cập nhật những xu hướng phát triển mới rất quan trọng. Nếu không làm điều này, bạn sẽ có nguy cơ bị loại bởi những đối thủ cạnh tranh.

3. Có tổ chức

Khi là một quản lý, việc tổ chức tốt rất quan trọng. Trách nhiệm hàng ngày của bạn thường bao gồm một loạt công việc khác nhau, như là hướng dẫn nhân viên, sắp xếp ca, giao công việc và giải quyết những yêu cầu và than phiền từ khách hàng. Để đảm bảo bạn không bỏ sót bất kỳ một nhiệm vụ nào, bạn cần phải có một hệ thống sắp xếp theo trình tự để giúp bạn theo dõi mọi công việc.

4. Sẵn sàng trong mọi trường hợp khẩn cấp

Bất kể bạn cố gắng tránh gặp những trường hợp khẩn cấp thế nào thì chúng vẫn xảy ra vào một thời điểm nào đó trong sự nghiệp quản lý khách sạn của bạn. Và trong ngành Nhà hàng Khách sạn, cách bạn đối phó với những trường hợp khẩn cấp chính là chìa khóa thành công cho sự nghiệp quản lý của bạn.
Nếu bạn có thể đối phó nhanh chóng, giữ cho khách an toàn và vui vẻ, bạn sẽ bảo vệ được uy tín của khách sạn và cũng là uy tín của riêng bạn. Do đó bạn cần chắc chắn rằng quy trình quản lý rủi ro và đối phó khẩn cấp phải có trình tự, và nhân viên lẫn khách hàng phải nhận thức được chúng.

5. Có trình độ chuyên môn cao

Không hề có đường tắt trong quản lý khách sạn – nhưng với trình độ chuyên môn và đào tạo hợp lý, bạn chắc chắn tỏa sáng trong lĩnh vực này. Hầu hết những nhà quản lý khách sạn đều có cả trình độ chuyên môn lẫn kinh nghiệm làm việc. Vì thế, việc tham gia chương trình đào tạo mang lại cho bạn những kỹ năng cần thiết để thành công là rất quan trọng.

Top 5 câu hỏi và trả lời trong khi phỏng vấn ngành Nhà hàng Khách sạn

Ngành Nhà hàng Khách sạn là một ngành năng động và sôi nổi và cung cấp nhiều lựa chọn cho công việc. Một công việc trong ngành Nhà hàng Khách sạn có thể rất thú vị và đầy thỏa mãn. Ngành này cũng được biết đến là có thu nhập cao.
Vì thế, nếu bạn đang tìm kiếm một công việc trong lĩnh vực này, bạn phải chuẩn bị kỹ càng cho buổi phỏng vấn.
Dưới đây là một danh sách những câu hỏi thường gặp nhất trong buổi phỏng vấn đi kèm với câu trả lời được đề xuất.

1. Tại sao bạn muốn làm cho công ty chúng tôi?

Ngành Nhà hàng Khách sạn tương đối nhỏ và gắn kết, vì thế khi bạn nộp hồ sơ vào một công ty cụ thể, bạn được kỳ vọng là sẽ hiểu rõ về công ty. Bạn nên biết một chút về công việc, văn hóa và khách hàng của công ty.
Khi trả lời câu hỏi này, hãy trả lời càng chi tiết càng tốt. Nói về:
– Điểm đặc biệt mà công ty làm trong việc phục vụ khách hàng và đào tạo nhân viên.
– Bạn có thể sử dụng những kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm của bạn như thế nào để làm việc cho công ty.

2. Bạn biết gì về công ty của chúng tôi?

Ngành Nhà hàng Khách sạn bao gồm nhiều yếu tố, và việc kinh doanh phát triển dựa vào tính chất công việc họ làm. Những công ty thường tự hào về cách họ phục vụ khách hàng. Trong buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ cố gắng đánh giá sự hiểu biết của bạn về quá trình và thành tựu của công ty.
Bạn nên nói về:
– Ban quản lý và nhân viên cấp cao – những người nổi tiếng trong công ty và tại sao bạn ngưỡng mộ họ.
– Những sự kiện nổi bật (những sự kiện quảng cáo, lễ trao giải thưởng…) được diễn ra tại công ty.
– Thành tựu và giải thưởng (danh tiếng) mà công ty đạt được
Ngoài việc đề cập đến những vấn đề này, bạn cũng nên nói tại sao những điều này gây ấn tượng với bạn và động lực để bạn làm việc cho công ty.

3. Mục tiêu sự nghiệp của bạn trong ngành Nhà hàng Khách sạn?

Câu hỏi này được hỏi để đánh giá khả năng cũng như ước muốn của bạn trong ngành này. Nhà tuyển dụng thường tìm kiếm sự liên quan giữa ước mơ và sự chăm chỉ, vì thế bạn càng tỏ ra có nhiều tham vọng, bạn càng cho người khác thấy bạn là người làm việc chăm chỉ.
Nhiều khi bạn cũng không biết mục tiêu thực sự khi bắt đầu sự nghiệp này. Trong trường hợp này, bạn có thể nói rằng bạn sẽ tập trung vào việc đạt được những mục tiêu trong phạm vi công việc của bạn, và khi làm điều đó, sự thăng tiến trong công việc sẽ đến một cách tự nhiên.

4. Thế mạnh của bạn là gì khi làm trong ngành Nhà hàng Khách sạn?

Trước khi trả lời câu hỏi này, hãy nhớ rằng Nhà hàng Khách sạn là một ngành hướng tới khách hàng. Ngoài ra, nó yêu cầu sự nhanh nhẹn và làm việc nhiều giờ liền cũng như việc hiểu rõ nhiệm vụ của bạn.
Trong quá trình phỏng vấn, nhà tuyển dụng tìm kiếm:
– Kỹ năng phục vụ khách hàng
– Khả năng làm việc dưới áp lực cao
– Khả năng sắp xếp và tập trung vào nhiệm vụ
– Kỹ năng giao tiếp
– Kinh nghiệm liên quan đến ngành nghề
– Phẩm chất cá nhân

5. Nếu bạn nhận được công việc này, bạn sẽ ở lại công ty chúng tôi trong bao lâu?

Nếu ngành Nhà hàng Khách sạn là một ngành có tốc độ phát triển nhanh, có nghĩa là người ta thường thay đổi công việc khi những cơ hội mới đến với họ. Khách sạn, nhà hàng và những công ty tổ chức sự kiện thường mong muốn nhân viên ở lại và giúp công ty phát triển.
Một vài cách để trả lời câu hỏi này:
“Tôi muốn làm việc ở đây miễn là tôi nghĩ tôi vẫn làm được những điều tốt nhất cho công ty”.
“Tôi làm việc cho công ty (cũ) được … năm và tôi nghĩ tôi làm việc ổn định và tận tâm. Miễn là tôi cảm thấy tôi còn đóng góp được cho công ty và công việc còn nhiều thử thách và cho tôi không gian để phát triển, tôi sẽ vui vẻ và cố gắng hết sức khi làm việc ở đây”.
“Tôi không thích thay đổi công việc thường xuyên. Ở lại công ty càng lâu thì càng tốt cho tôi và công ty. Miễn là chúng ta duy trì được mối quan hệ lợi ích qua lại, tôi sẽ vẫn làm việc ở đây”.

6 lợi ích khi làm trong ngành Nhà hàng Khách sạn

Bạn có nghĩ về việc khởi đầu sự nghiệp trong ngành Nhà hàng Khách sạn? Nếu có, bạn nên tự khen mình vì đã có một sự lựa chọn thông minh. Mặc dù để gia nhập cũng như thành công trong lĩnh vực này phải trải qua rất nhiều khó khăn, nhưng bên cạnh đó cũng có những điều tuyệt vời khi đi trên con đường này. Hãy xem 6 lợi ích cụ thể sau để thấy rằng tại sao công việc ngành Nhà hàng Khách sạn lại hấp dẫn đến vậy:

Những cơ hội tuyệt vời: Nếu bạn yêu thích sự đa dạng, bạn sẽ thấy làm việc trong ngành Nhà hàng Khách sạn không bao giờ buồn tẻ. Cho dù là những thách thức mới hay cơ hội đi du lịch đó đây, công việc này đều khiến chúng ta dễ dàng thức dậy vào mỗi sáng và cảm thấy hào hứng làm việc trong suốt một ngày.

Sự ghi nhận: Có rất nhiều công việc hiện nay thiếu sự ghi nhận thành quả. Trong khi xã hội không thể hoạt động nếu không có những người sẵn sàng làm những công việc này, không có nghĩa là những người này cảm thấy được biết ơn trong công việc hàng ngày. Ưu điểm trong ngành Nhà hàng Khách sạn là bạn không cảm thấy như vậy. Thay vào đó, khách hàng quen sẽ nhớ đến bạn vì họ đề cao những gì bạn làm cho họ. Những trải nghiệm về những gì bạn đem đến cho họ sẽ không bao giờ bị lãng quên.

Trọng nhân tài: Một trong những lý do mà rất nhiều người không hứng thú với công việc trong môi trường liên doanh vì họ biết rằng con đường duy nhất để phát triển là chơi trò chơi chính trị. Nếu bạn là loại người muốn chất lượng công việc của bạn nói lên con người bạn, bạn sẽ rất thích cách mà ngành Nhà hàng Khách sạn hoạt động. Người ta sẽ chú ý khi bạn chủ động và theo đuổi công việc. Nếu bạn có thái độ go-better, sẽ không có giới hạn cho sự nghiệp phát triển của bạn.

Rất nhiều đặc quyền: Thậm chí đây không phải là một trong những điều quan trọng nhất khiến đa số những người làm trong ngành này vui vẻ và thỏa mãn, nhưng nó vẫn đóng vai trò không nhỏ. Vì ở trong một vị trí mà phải đảm bảo niềm vui cho người khác thì bạn cũng sẽ gặt hái được nhiều đặc quyền cho riêng mình.

Sự ổn định: ảnh hưởng của sự khủng hoảng tài chính năm 2008 và 2009 không hề ngăn cản sự phát triển của ngành nhà đất. Ngành Du lịch và Nhà hàng Khách sạn cũng bị ảnh hưởng khi mọi người ngày càng thắt chặt chi phí vì họ quan tâm đến vấn đề tài chính. Mặc dù không thể phủ nhận rằng đây là giai đoạn không tốt cho ngành này, nhưng nó vẫn tồn tại và phát triển rực rỡ. Để có thể tồn tại trong điều kiện như vậy cho thấy Nhà hàng Khách sạn là một ngành vững chắc thế nào.

Rèn luyện sự sáng tạo: Những nhà soạn nhạc và nhà văn không phải là những người duy nhất thích làm những việc sáng tạo. Vì luôn có những thử thách độc đáo cần giải quyết trong ngành này, bạn sẽ luôn phải sử dụng tốt cả suy nghĩ nghiêm túc và sáng tạo.

Làm thế nào để trở thành một Quản lý Bộ phận Lễ tân tốt nhất

Trong một khách sạn, ấn tượng đầu tiên rất quan trọng. Cách nhân viên lễ tân chào hỏi và giúp đỡ khách hàng có thể tạo nên hay phá hủy hình tượng khách sạn của bạn. Và giống như tất cả những lãnh đạo thành công khác, quản lý bộ phận lễ tân đóng vai trò trực tiếp trong việc tạo nên diện mạo của khách sạn.
Bất cứ khi nào bạn có thể phát triển thành một quản lý tốt, việc học hỏi từ thực tế cũng như nhân viên sẽ giúp bạn tiếp thu những kiến thức đúng đắn và hướng bạn đến sự thành công trong công việc.
Dưới đây là một số phương pháp để bạn phát triển bản thân và trở thành một quản lý lễ tân giỏi giang.

Làm việc để đạt được sự hài lòng của khách hàng

Trong khách sạn, sự hài lòng của khách hàng là mục tiêu cuối cùng. Phương pháp duy nhất đảm bảo khách hàng luôn hài lòng với dịch vụ của lễ tân là sự tôn trọng khách hàng. Vì vậy, hãy đối xử với mỗi khách hàng một cách tử tế và chuyên nghiệp. Hãy đảm bảo rằng bạn có thời gian để lắng nghe bất cứ một vấn đề nhỏ nhất và phải giải quyết được nó. Nếu bạn cam kết với khách hàng điều gì thì cần phải hoàn thành chúng và hãy huấn luyện nhân viên đăng ký phòng và thanh toán cho khách nhanh chóng.
Khi bạn tập trung vào những yêu cầu của khách hàng và sẵn sàng chấp nhận những phản hồi dù tích cực hay tiêu cực, bạn có thể lường trước nhu cầu của họ và hoàn thành chúng.

Tập trung vào chi tiết

Trong ngành khách sạn, những điều nhỏ nhất có thể gây ra những ảnh hưởng lớn. Nếu bạn muốn trở thành một quản lý lễ tân tốt nhất trong mắt khách hàng, hãy tập trung vào từng chi tiết. Lễ tân nên khéo léo và gọn gàng cũng như ăn mặc tươm tất. Hơn nữa, đảm bảo rằng mỗi thành viên trong bộ phận lễ tân luôn có mặt đúng thời gian và chào hỏi khách với một nụ cười thân thiện và niềm nở. Thậm chí việc trang trí hoa trên bàn lễ tân có thể ảnh hưởng tới cái nhìn của khách hàng dành cho khách sạn của bạn. Vì thế hoa phải luôn tươi và được đặt ở một vị trí thu hút.

Biết sắp xếp chu đáo

Khi là một quản lý lễ tân, bạn sẽ có trách nhiệm với rất nhiều khu vực, bao gồm nhân viên phục vụ phòng, an ninh và nhân viên mở cửa. Vì thế bạn phải giải quyết rất nhiều việc cùng một lúc và nếu bạn không biết sắp xếp, bạn sẽ không biết ưu tiên việc nào trước. Nếu bạn biết sắp xếp công việc, bạn sẽ có thể tập trung vào từng khía cạnh của công việc một cách hiệu quả và điều này sẽ giúp bạn xác định điều gì cần cải thiện. Sau đó bạn có thể phát triển những chiến lược để cải thiện dịch vụ và trở thành một quản lý lễ tân tốt hơn.

Hòa đồng với nhân viên và khách hàng

Một quản lý lễ tân xuất sắc luôn dành thời gian để nói chuyện với nhân viên cũng như khách hàng. Mỗi khi bạn nói chuyện với nhân viên, bạn sẽ tìm ra những vấn đề mà họ đang đối mặt trong việc cung cấp dịch vụ tốt đến khách hàng và sau đó bạn có thể kịp thời tìm ra những giải pháp để hỗ trợ họ. Bạn nên hòa đồng và nói chuyện với khách hàng để giúp họ cảm thấy thoải mái trong việc nói ra những lo ngại của họ.
Nếu bạn tiếp xúc trực tiếp với nhân viên và khách hàng, bạn sẽ đánh giá những tình huống một cách hợp lý và giải quyết những thắc mắc và lo lắng mà nhân viên và khách hàng gặp phải.

Biết định hướng

Để trở thành một quản lý lễ tân tài ba, bạn phải luôn biết quan sát và lắng nghe. Điều này giúp bạn xác định những vấn đề cần cải thiện và đưa ra những hành động cần thiết. Nếu bạn tập trung vào công việc và kết quả, bạn có thể sử dụng tài nguyên của bạn tốt hơn bởi những chiến lược và kế hoạch đúng đắn.

Trở thành một thành viên tốt trong một tập thể

Cho dù bạn là một quản lý lễ tân, bạn nên là một thành viên sẵn sàng làm việc với cấp dưới và những trưởng phòng ban khác. Điều này giúp tạo ra một nhóm xuất sắc trong công việc. Sự làm việc ăn ý của nhóm bạn thể hiện khả năng quản lý của bạn.

Chủ động

Đừng đợi ban quản lý cấp cao chỉ cho bạn cách cải thiện bộ phận của bạn. Bạn là quản lý và bạn phải có khả năng nhìn xa trông rộng và đề xướng việc cải thiện nhằm đạt được kết quả như ý. Hãy nhớ rằng, sự thành công của khách hàng dựa vào bạn cũng như nhân viên của bạn trong cách làm việc với khách hàng và thu hút sự quan tâm của họ. Nếu bạn có khả năng làm cho khách hàng vui vẻ thì bạn chính là một nhà quản lý lễ tân xuất sắc.

Sẵn sàng cải thiện

Khi công việc diễn ra trôi chảy, bạn sẽ nhận được những lời khen ngợi. Nhưng nếu công việc đi xuống, bạn nên sẵn sàng chịu trách nhiệm cho việc này. Bạn cần ngồi xuống, phân tích vấn đề và đưa ra câu trả lời để đảm bảo nó sẽ không xảy ra lần nữa. Thay vì cố gắng đổ lỗi cho nhân viên hay người khác nếu có việc không hay xảy ra, hãy dùng những vấn đề để cải thiện bản thân và bộ phận của bạn.
Khi trở thành một quản lý lễ tân, bạn có trách nhiệm với sự hài lòng và vui vẻ của khách hàng. Nếu khách hàng hài lòng với dịch vụ của bạn, họ sẽ quay lại cũng như giới thiệu khách sạn của bạn với bạn bè và gia đình của họ. Vì thế việc tạo nên một ấn tượng tốt và đảm bảo khách hàng của bạn rời đi với một suy nghĩ tích cực là điều cần thiết để đạt được mục tiêu cuối cùng của bạn, nếu bạn chinh phục được mục tiêu này, bạn chính là một quản lý lễ tân xuất sắc.