BD hay Business Development là một vị trí quan trọng trong nhiều tổ chức, đặc biệt là trong các công ty đang muốn mở rộng quy mô và gia tăng doanh thu. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng tìm hiểu BD là gì và những kỹ năng cần thiết để trở thành một BD nhé.
BD là gì?
BD là từ viết tắt của business development, là hoạt động xác định các phương pháp dài hạn để tăng giá trị công ty thông qua việc phát triển các mối quan hệ, thị trường và khách hàng, mục tiêu chính là mở rộng và tạo ra doanh thu nhiều hơn cho công ty.
Business development cũng có thể nói về một vị trí công việc. Công việc này liên quan đến phát triển kinh doanh, phổ biến trong lĩnh vực Marketing và Sales. Họ là những chuyên gia hỗ trợ các công việc mở rộng kinh doanh, xây dựng chiến lược, tạo mối quan hệ và tiếp cận khách hàng tiềm năng, từ đó thuyết phục họ sử dụng sản phẩm, dịch vụ mà công ty cung cấp.
Hiện nay, BD có thể là một cá nhân hoặc một đội nhóm, tùy thuộc vào quy mô và nhu cầu của doanh nghiệp.
Nhiệm vụ của BD là gì?
Công việc cụ thể của một BD có thể bao gồm:
1. Tìm kiếm cơ hội phát triển kinh doanh
Một doanh nghiệp cần có khả năng tăng trưởng ổn định để có thể cạnh tranh với những doanh nghiệp khác trên thị trường. BD sẽ giúp doanh nghiệp xác định và tiếp cận các thị trường, khách hàng tiềm năng hoặc đối tác để mở rộng phạm vi kinh doanh.
Nhiệm vụ này bao gồm việc xem xét công ty có thể mở rộng sang các thị trường khác nhau và tiến hành nghiên cứu để phát triển sản phẩm và dịch vụ mới. Từ đó, công ty có thể tiếp cận nhiều khách hàng hơn trong tương lai.
2. Xây dựng mối quan hệ với khách hàng
Trong lĩnh vực phát triển kinh doanh, việc tạo mối quan hệ lâu dài với khách hàng và đối tác là vô cùng quan trọng. BD giúp công ty thu hẹp khoảng cách giữa khách hàng và công ty, cho thấy họ muốn và cần những gì mà công ty đang cung cấp.
BD khiến sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn và tiềm năng đối với khách hàng. Để làm được điều này, họ tiến hành tìm kiếm phản hồi và nghiên cứu thị trường. Sau đó, BD sẽ liên lạc với các phòng ban khác như phòng marketing, phòng phát triển sản phẩm hay sales.
3. Đàm phán và ký hợp đồng
Đối với các đối tác chiến lược, BD thực hiện các cuộc đàm phán về hợp tác hay phân phối sản phẩm, dịch vụ, đưa ra những điều khoản và lợi ích của hai bên. Khi hai bên đồng ý hợp tác, đầu tư hay phân phối, BD có nhiệm vụ ký kết hợp đồng với các bên liên quan để đảm bảo tính minh bạch, đồng thời giúp công ty mở rộng mạng lưới và tăng trưởng doanh thu.
4. Quản lý chi phí phát triển
Hầu hết các công ty đều có những ngân sách nhất định cho hoạt động phát triển kinh doanh. Nhiệm vụ của BD là quản lý ngân sách được phân bổ cho các hoạt động một cách hợp lý và không vượt quá ngân sách. Để làm được điều này, BD cần theo dõi và kiểm soát các khoản chi tiêu trong quá trình triển khai các chiến lược phát triển.
Những kỹ năng cần thiết ở một BD là gì?
1. Kỹ năng giao tiếp và đàm phán
Có thể thấy, công việc chính của BD không chỉ cần giao tiếp với khách hàng mà còn với đối tác và những phòng ban khác trong công ty. Chính vì thế, kỹ năng giao tiếp và đàm phán là một trong những kỹ năng quan trọng nhất ở một BD.
Kỹ năng giao tiếp giúp BD truyền đạt thông tin rõ ràng, thuyết phục và gây dựng mối quan hệ với khách hàng. Khả năng đàm phán xuất sắc sẽ giúp BD thực hiện tốt các nhiệm vụ ký kết hợp đồng với đối tác.
2. Kỹ năng lãnh đạo và quản lý mạnh mẽ
Việc giúp công ty phát triển và tạo ra nhiều lợi nhuận hơn không phải là một điều dễ dàng. Một BD yêu cầu cần có suy nghĩ vượt khỏi khuôn khổ, khả năng lãnh đạo mạnh mẽ để có thể cải thiện quy trình kinh doanh và làm cho công ty có nhiều giá trị hơn.
3. Kỹ năng phân tích và nghiên cứu thị trường
Để tìm kiếm được cơ hội mới, BD cần có khả năng phân tích thị trường, xu hướng ngành nghề và nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, kỹ năng phân tích dữ liệu cũng không kém phần quan trọng. Nó sẽ hỗ trợ BD trong việc hiệu được các yếu tố tác động đến chiến lược phát triển kinh doanh.
4. Kỹ năng giải quyết vấn đề
BD thường đối mặt với các vấn đề phức tạp nên họ cần có kỹ năng giải quyết vấn đề để giúp công ty phát triển hơn. BD cần có sự linh hoạt, quyết đoán và sáng tạo để không bỏ lỡ các cơ hội và vượt qua những thử thách trong quá trình phát triển kinh doanh.