Franchise là gì? Những điều cần biết về mô hình kinh doanh franchise

Hiện nay, mô hình kinh doanh franchise – nhượng quyền thương mại đã trở thành một phương thức phổ biến để mở rộng và phát triển các thương hiệu lớn. Franchise không chỉ mang lại cơ hội cho những người mới khởi nghiệp mà còn cho những thương hiệu muốn mở rộng kinh doanh trên thị trường.Vậy franchise là gì? Mô hình kinh doanh này hoạt động như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

Franchise là gì?

Franchise, hay còn gọi là Nhượng quyền thương mại, là một loại mô hình kinh doanh phổ biến trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Với mô hình kinh doanh, một bên cấp quyền cho một bên khác được phép sử dụng thương hiệu, hệ thống và mô hình kinh doanh đã được phát triển và hiện đang hoạt động, với mục đích mở rộng hoạt động kinh doanh hơn trên thị trường.

Với franchise, bên được nhượng quyền sẽ trả một khoản phí để được phép hoạt động dưới tên thương hiệu của bên nhượng quyền. Đó không chỉ là sử dụng tên thương hiệu mà còn là sử dụng sản phẩm, dịch vụ, hệ thống vận hành và các phương pháp marketing được chứng minh là hiệu quả và mang lại doanh thu.

Hai thuật ngữ chính trong mô hình franchise gồm:

  • Bên nhượng quyền (franchisor): là bên phát triển thương hiệu và hệ thống kinh doanh. Họ cung cấp giấy phép và quyền cho những bên có nhu cầu hoạt động kinh doanh dưới thương hiệu của họ và muốn sử dụng tài sản trí tuệ của họ.
  • Bên được nhượng quyền (franchisee): là bên bỏ chi phí để mua quyền sử dụng và hệ thống kinh doanh để điều hành doanh nghiệp. Chi phí được trả cho bên nhượng quyền có thể được gọi là phí bản quyền.

Các loại franchise phổ biến

Có hai loại franchise phổ biến mà ta thường thấy trên thị trường:

1.   Franchise mô hình kinh doanh (business format franchising)

Với loại franchise này, một thương hiệu sẽ cung cấp sản phẩm, dịch vụ và hệ thống hoạt động hiệu quả để bên được nhượng quyền vận hành một doanh nghiệp mới. Hiện nay, loại mô hình khá phổ biến bởi chúng đảm bảo sự thành công của doanh nghiệp mới.

Ví dụ: Một nhà hàng nổi tiếng cung cấp nguyên liệu, cách đào tạo nhân sự, thiết bị và hỗ trợ marketing cho các bên được nhượng quyền của mình.

2.   Franchise phân phối sản phẩm (Product distribution franchising)

Franchise phân phối sản phẩm tạo mối quan hệ mật thiết giữa nhà cung cấp – đại lý. Bên được nhượng quyền được phép bán sản phẩm của bên nhượng quyền mà không sử dụng hệ thống kinh doanh đã được thiết lập của thương hiệu.

Ví dụ: Công ty đóng chai quốc tế cung cấp sản phẩm của mình cho các tổ chức muốn tham gia vào ngành thực phẩm và đồ uống.

Mô hình franchise có những ưu điểm gì?

1.   Giảm thiểu rủi ro kinh doanh

Có rất nhiều thương hiệu nhượng quyền là các tập đoàn có nhiều năm kinh nghiệm và khi mua nhượng quyền từ họ, rủi ro trong quá trình kinh doanh sẽ được giảm thiểu. Bên được nhượng quyền sẽ không lo thương hiệu của mình không có người biết đến, giảm chi phí tiếp thị. Ngoài ra, với sản phẩm, dịch vụ đã được ra mắt và nhiều người đón nhận trước đó, người được nhượng quyền an tâm hơn với hoạt động kinh doanh mình đang thực hiện.

2.   Hỗ trợ và đào tạo

Bên được nhượng quyền nhận được sự hỗ trợ đầy đủ từ bên nhượng quyền, bao gồm đào tạo ban đầu và hướng dẫn chi tiết cách vận hành doanh nghiệp, sử dụng hệ thống và quy trình đã được chứng minh là hiệu quả trên thị trường. Điều này giúp bên được nhượng quyền nhanh chóng đi vào hoạt động mà không phải tự tìm hiểu, học hỏi từ đầu.

3.   Tiềm năng lợi nhuận ổn định và lâu dài

Thông thường, một thương hiệu được nhượng quyền khi nó có thể đem lại lợi nhuận ổn định. Mặc dù ban đầu cần chi trả chi phí bản quyền không nhỏ, nhưng với thương hiệu đã được kiểm chứng và thành công, bên được nhượng quyền có thể duy trì doanh thu ổn định và lâu dài, từ đó nhanh chóng lấy lại vốn đã bỏ ra từ ban đầu.

4.   Thương hiệu dễ nhận diện

Chắc hẳn với những người mới khởi nghiệp, việc khiến khách hàng biết đến và ghi nhớ thương hiệu của mình là một quá trình không hề dễ dàng. Với mô hình franchise, người mới có thể bỏ qua bước này. Thương hiệu được nhượng quyền thường khẳng định chỗ đứng của mình trên thị trường. Khách hàng sẽ dễ nhận diện và tin tưởng các cửa hàng có tên tuổi hơn là những sản phẩm, dịch vụ có cái tên mới.

5.   Khả năng tiếp cận các nguồn cung ứng tốt

Những công ty lớn thường có các mối quan hệ tốt với các nhà cung cấp và đối tác. Nhờ đó, bên được nhượng quyền có thể tiếp cận nguồn cung ứng sản phẩm hay thậm chí là nguyên vật liệu chất lượng với giá ưu đãi hơn.