Newbie chắc hẳn không còn là một từ xa lạ trên Internet, đặc biệt là giới trẻ. Bất kỳ ai trước khi trở thành một dân chuyên nghiệp của lĩnh vực nào đó cũng từng là một newbie. Vậy newbie là gì? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Newbie là gì?
Newbie là một từ lóng trong tiếng Anh, dùng để chỉ một người mới bắt đầu làm quen với một lĩnh vực, công việc, sở thích hay hoạt động nào đó. Đây là một cách gọi thân mật, không chính thức dành cho những người chưa có nhiều kinh nghiệm hay kỹ năng trong một lĩnh vực cụ thể. Bên cạnh newbie, ta còn có một số thuật ngữ khác như beginner, starter… để chỉ những người mới bắt đầu một việc, lĩnh vực nào đó mới đối với họ.
Newbie chỉ đơn giản là một từ mang nghĩa nhẹ nhàng, không có ý xúc phạm hay không tốt. Trong khi đó, noobie là một từ lóng khá giống với newbie, tuy nhiên mang ý nghĩa hơi tiêu cực và châm biếm hơn. Noobie cũng để chỉ những người mới bắt đầu một điều gì đó mới, nhưng thường dùng để thể hiện sự thiếu kỹ năng hoặc kinh nghiệm, đối khi mà việc một cách vụng về, dễ gây rắc rối.
Những dấu hiệu của một newbie là gì?
Bất kỳ lĩnh vực hay hoạt động nào cũng đều có thể có newbie. Tuy nhiên, trong môi trường công sở, đôi khi sẽ không tiện khi trực tiếp hỏi ai đó xem họ có phải là newbie hay không. Dưới đây là một số dấu hiệu rõ ràng để nhận biết một newbie:
1. Thiếu kinh nghiệm
Một người được gọi là newbie khi họ thiếu nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực mà họ tham gia. Điều này dễ hiểu bởi họ mới bắt đầu nên cần thời gian để làm quen và tích lũy kinh nghiệm. Bạn có thể nhận thấy rõ nhất qua việc họ gặp khó khăn trong việc thực hiện những nhiệm vụ cơ bản hay không nắm rõ các quy trình, kỹ thuật, từ chuyên ngành liên quan.
2. Dễ bị lúng túng và thiếu tự tin
Vì newbie không có nhiều kinh nghiệm, không biết làm thế nào cho đúng nên họ rất dễ bị lúng túng và thiếu tự tin khi nói về công việc được giao. Đặc biệt khi xảy ra vấn đề, họ sẽ cảm thấy lo lắng, bối rối hơn một người bình thường đã từng làm công việc tương tự.
3. Cần nhiều sự hướng dẫn
Khi được giao nhiệm vụ, newbie thường có xu hướng đặt nhiều câu hỏi về các điều cơ bản của vấn đề, hoặc các bước thực hiện, cách sử dụng công cụ, kỹ thuật cần thiết. Họ sẽ cần nhiều thời gian để tìm hiểu vấn đề hoặc đi tìm sự hướng dẫn của những người có kinh nghiệm hơn.
4. Chưa thể có cái nhìn toàn diện
Thông thường, một newbie khó có thể có cái nhìn tổng thể khi một vấn đề được đưa ra, có thể là cách thức hoạt động, quy trình hoặc các khó khăn, thách thức tìm ẩn. Họ chỉ có thể thấy được bể nổi hoặc một phần nhỏ của vấn đề, và khi được phân tích kỹ càng hơn, họ dễ bị choáng ngợp bởi khối lượng thông tin.
5. Không có mối quan hệ trong lĩnh vực liên quan
Newbie thường chưa có nhiều sự kết nối hay mối quan hệ trong cộng đồng mà họ mới bắt đầu tham gia. Bên cạnh thời gian làm quen và thích nghi với những kiến thức mới, newbie còn cần thời gian để xây dựng mối quan hệ và tìm kiếm nhiều cơ hội hợp tác hơn.
Lời khuyên dành cho newbie
Nếu bạn đang là một newbie, dù trong bất cứ lĩnh vực nào, sau đây là một số lời khuyên bạn nên cân nhắc để quá trình học hỏi và thích nghi ở nơi công sở trở nên suôn sẻ hơn:
1. Biết đặt câu hỏi
Một trong những cách học hỏi nhanh nhất đó chính là đặt câu hỏi. Đừng ngần ngại hỏi những người đi trước đã có kinh nghiệm những gì bạn thắc mắc hay muốn biết thêm chi tiết. Hầu hết mọi người đều sẵn lòng giúp đỡ những người mới bắt đầu, miễn là bạn có thái độ tốt và cho họ thấy bạn hăng hái trong việc học hỏi từ họ. Tốt nhất nên lựa thời điểm phù hợp và vào thẳng vấn đề bằng cách chuẩn bị câu hỏi rõ ràng, cụ thể, điều này sẽ giúp tiết kiệm thời gian cho đôi bên và người được hỏi cũng cảm thấy thoải mái hơn.
2. Tập cách lắng nghe và quan sát
Hãy học cách lắng nghe khi những người có kinh nghiệm bắt đầu chia sẻ về kiến thức trong lĩnh vực bạn mới bắt đầu. Bên cạnh đó, trong quá trình làm việc, hãy quan sát cách mọi người xử lý vấn đề, cũng như cách họ giao tiếp. Đó đều là cơ hội tuyệt vời để bạn học hỏi và rút kinh nghiệm cho bản thân.
3. Đề nghị giúp đỡ người khác
Việc chủ động giúp đỡ người khác không chỉ giúp bạn có nhiều cơ hội học hỏi hơn mà còn giúp xây dựng mối quan hệ. Là một newbie, bạn có thể giúp đỡ đồng nghiệp với những công việc cơ bản hoặc những nhiệm vụ không cần quá nhiều kinh nghiệm chuyên ngành để thực hiện.